Chia sẻ
Tai biến hay đột quỵ não là một trong những căn bệnh nguy hiểm và đang có chiều hướng gia tăng, tuy nhiên còn khá nhiều người còn mơ hồ về căn bệnh này. Chính sự "chủ quan" và "thiếu hiểu biết" đã khiến người bệnh phải chịu những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong. Tai biến (đột quỵ não) là một trong top 10 bệnh lý gây tử vong hàng đầu thế giới (Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới WHO). Bài viết hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về tai biến để có được những kiến thức nền tảng "đối đầu" với căn bệnh này.
1. Tai biến là gì
Tai biến mạch máu não hay đột quỵ não là bệnh lý xảy ra khi nguồn máu và oxy cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc bị chặn lại do nhiều nguyên nhân khác nhau, chúng khiến các tế bào não bị chết đi, gây tổn thương cho mô não.
2. Các loại tai biến mạch máu não
Đột quỵ não được chia thành 2 loại: Xuất huyết não (một động mạch trong não bị vỡ tạo nên một vùng máu làm tổn thương não) và nhồi máu não (khi có động mạch bị nghẽn, làm giảm lưu lượng máu đến não).
Trong hai loại này, tai biến mạch máu não do nghẽn mạch phổ biến hơn (chiếm 80% tổng số ca bệnh). Mức độ tổn thương của chúng gây ra sẽ tùy thuộc vào vùng tổn thương và thời gian lưu lượng máu đi qua não bị giảm là bao lâu. Nếu các triệu chứng tự kết thúc trong vòng 24 giờ đồng hồ thì y khoa gọi là Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua, và sẽ ít gây tổn thương vĩnh viễn cho người bệnh.
Xuất huyết não chỉ chiếm 20% trên tổng số ca bệnh, tuy nhiên tỷ lệ tử vong của bệnh là rất cao, bệnh cần được tới bệnh viện càng sớm càng tốt, thời gian được tính bằng phút. Cấp cứu càng sớm thì tỷ lệ để lại di chứng ảnh hưởng hay tử vong càng giảm.
Tai biến mạch máu não do nghẽn mạch thường phổ biến hơn
3. Các biểu hiện, triệu chứng khi bị đột quỵ não
Việc nhận biết các biểu hiện, triệu chứng tai biến mạch máu não rất quan trọng, giúp chúng ta có được biện pháp can thiệp kịp thời, giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm.
Liệt mặt (méo mặt)
Dấu hiệu này khá phổ biến và thường xuất hiện đầu tiên khi bệnh nhân bị đột quỵ não. Lúc này, lượng oxy trong máu vận chuyển tới não bộ giảm gây nên tổn thương cho hệ thần kinh cơ mặt. Lúc này, người bệnh sẽ không cử động được cơ trên mặt, do bị liệt một phần hoặc nửa khuôn mặt.
Thị lực giảm dần
Người ngoài khó có thể phát hiện được dấu hiệu này, do đó người bệnh phải chủ động ghi nhớ biểu hiện này, nếu cảm thấy có sự khác thường về thị lực cần thông báo ngay cho người nhà để có cách xử lý kịp thời. Nguyên nhân làm thị lực giảm là do hoạt động của thùy não bộ giảm dần vì không được cung cấp đủ oxy, dẫn đến hiện tượng nhìn mọi thứ nhòe đi và mờ dần.
Khó thở
Người bị đột quỵ não thường xuất hiện triệu chứng tim đập nhanh, thở hổn hển, khó thở…, mức độ tùy thuộc vào từng vùng não bị tổn thương do thiếu oxy. Những dấu hiệu này thường bị bỏ qua do chúng diễn ra rất nhanh và có thể biến mất hoàn toàn, điều này rất nguy hiểm nếu người bệnh không để ý, chúng giống như “đám mây đen” đang cảnh báo rằng sắp có một “tai biến” xảy ra.
Đau đầu
Não thiếu hụt oxy sẽ gây ra những cơn đau đầu dữ dội, đau theo từng cơn, cảm giác rất khó chịu, đầu như muốn nổ tung. Mức độ đau đầu ngày càng nặng, nếu gặp tình trạng này cần đưa bệnh nhân tới bệnh viện càng nhanh càng tốt, bởi chỉ cần chậm trễ một phút người tai biến cũng có thể dẫn đến biến chứng chết não.
Hoa mắt, chóng mặt
Cơ thể trở nên hoa mắt, đầu óc quay cuồng, chóng mặt chính là biểu hiện của tình trạng thiếu máu não, chúng sẽ xảy ra ở hầu hết các trường hợp. Tuy nhiên, do dấu hiệu này cũng khá phổ biến ở cuộc sống hằng ngày, nên cần quan sát và chú ý thêm một số biểu hiện khác mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng.
Cánh tay cử động khó khăn
Khi lượng máu và oxy lên não không đủ thì khả năng vận động của con người cũng sẽ bị thuyên giảm, đặc biệt là bộ phận cánh tay. Người bị tai biến mạch máu não sẽ cảm thấy cánh tay tê dại, cử động rất khó khăn và dàn dần có thể không cử động được. Để phát hiện dấu hiệu tai biến ở cánh tay thì bạn hãy yêu cầu người bệnh giơ tay lên, nếu tay rũ thõng xuống hoặc không giơ lên được thì khả năng cao người đó đã bị đột quỵ não.
Một phần cơ thể yếu đi
Sau khi cánh tay cử động khó khăn hay liệt một cánh tay thì người bệnh còn có thể bị liệt nửa người. Triệu chứng này rất nguy hiểm, cần phải được phát hiện và chữa trị kịp thời nếu không sẽ bị liệt mãi mãi rất đáng tiếc.
4. Các giai đoạn của tai biến mạch máu não
Bệnh đột quỵ não có 2 giai đoạn chính là: Giai đoạn khởi phát và Giai đoạn toàn phát, mỗi giai đoạn sẽ có những đặc điểm và biểu hiện sau:
Giai đoạn khởi phát
Mỗi người sẽ trải qua giai đoạn khởi phát bệnh tai biến khác nhau, có người chỉ bị đau đầu nhẹ, triệu chứng không dễ nhận biết và thường bị bỏ qua, nhưng cũng có những người đột ngột ngã ra và dẫn tới hôn mê sâu.
Tuy nhiên, người bệnh trong giai đoạn khởi phát có thể nhận biết cơn tai biến với những dấu hiệu khá phổ biến như:
- Nói lắp, không kiểm soát được lời nói, khó nói, không hiểu mình muốn nói gì và người khác đang nói gì.
- Tai bị ù.
- Thị lực giảm nhanh, một hoặc cả hai mắt mờ dần.
- Chân, tay một bên mất cảm giác, không giơ lên được.
- Một bên mặt bị méo, buồn rầu và rũ xuống.
- Chóng mặt, đau đầu không rõ nguyên nhân.
Giai đoạn toàn phát
Người bị tai biến ở giai đoạn toàn phát thường sẽ gặp phải những hội chứng như: màng não, rối loạn hệ thần kinh và gây ra các biến chứng nguy hiểm khác như hôn mê, rối loạn thực vật, liệt nửa người...
Với hội chứng hôn mê, người bệnh sẽ hôn mê mức độ nặng và sâu, mặt tái nhợt, đại - tiểu tiện không kiểm soát, cơ thể không cử động, đồng tử mắt và giác mạc bị mất phản xạ...
Bệnh nhân gặp phải hội chứng rối loạn thực vật sẽ có triệu chứng điển hình như như rối loạn dinh dưỡng, mặt biến sắc (đỏ, tím hoặc xanh), nhiệt độ cơ thể thay đổi, huyết áp động mạch tăng cao, nhịp tim - nhịp thở rối loạn...
Với hội chứng liệt nửa người thì bên liệt sẽ xuất hiện tình trạng giảm trương lực cơ thể, kể cả đối với cơ mặt. Khi nằm, bệnh nhân sẽ nằm với tư thế mắt và đầu cùng quay về bên bị liệt. Hội chứng này hoàn toàn có thể xuất hiện ở cả hai bên do hiện tượng phù não.
5. Nguyên nhân gây ra tai biến
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lý đột quỵ não, trong đó có thể kể đến những yếu tố chính sau đây:
Cao huyết áp
Theo thống kê của Tổ chức y tế Thế giới WHO, người bị cao huyết áp sẽ có nguy cơ mắc phải tai biến mạch máu não cao gấp 2 - 3 lần người có huyết áp bình thường. Bởi lẽ, bệnh cao huyết áp sẽ khiến thành mạch máu phải chịu áp lực lớn của dòng máu dẫn đến tình trạng thành mạch bị giãn, gây ra những tổn thương nhất định. Đồng thời, với áp lực dòng máu tăng cao, mạch máu có thể vỡ bất cứ lúc nào, lúc này các sợi fibrin và hệ thống tiểu cầu làm nhiệm vụ liền lại vết thương từ đó hình thành các cục máu đông. Đặc biệt, người bị thừa cholesterol, rối loạn mỡ máu thì dòng chảy của máu sẽ bị hẹp gây cản trở tới quá trình lưu thông dòng máu đến não và gây tai biến nhồi máu não.
Xơ vữa động mạch
Người mắc bệnh xơ vữa động mạch sẽ có mạch máu nhỏ hẹp hơn bình thường, lượng mỡ thừa làm mạch máu ngày càng co lại khiến máu lưu thông khó khăn, hình thành nên các cục máu đông. Theo đường vận chuyển những cục máu đông này được đưa lên não, gây ra tắc nghẽn dòng máu và dẫn đến bệnh tai biến.
Bệnh tim
Những bệnh nhân bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, u nhầy nhĩ trái, hẹp van hai lá có rung nhĩ, rung nhĩ… sẽ có nguy cơ đột quỵ não rất cao. Nguyên nhân có thể là do cục máu đông trôi theo dòng máu, làm tắc nghẽn dòng máu nuôi dưỡng các tế bào não, dẫn tới đột quỵ.
Đái tháo đường
Bệnh nhân tiểu đường rất dễ bị xơ vữa động mạch, việc này dẫn tới máu và oxy không thể lên tới não thuận lợi do bị các mảng xơ vữa hay những cục huyết khối trong lòng động bịt kín mạch máu. Đặc biệt, bệnh nhân đái tháo đường mắc thêm bệnh nhiễm mỡ máu càng làm tăng nguy cơ mắc xơ vữa động mạch, tỷ lệ đột quỵ não càng cao.
Dị dạng mạch máu não
Nguyên nhân này rất nguy hiểm, các mạch máu rối loạn và bất thường trong máu, gây ra hiện tượng chảy máu não và người bệnh có thể tử vong bất cứ lúc nào. Theo các bác sĩ, bệnh dị dạng mạch máu não thường có từ lâu, chúng phát triển âm thầm và làm mạch máu dần yếu đi, đến khi gặp phải tác động như (áp lực công việc, buồn bã…) mạch máu sẽ căng tức và vỡ ra gây xuất huyết não.
Bên cạnh những nguyên nhân trên, một số nguyên nhân khác cũng làm tăng nguy cơ mắc tai biến mạch máu não như: bệnh máu khó đông, u não, thoái hóa mạch máu não, hút thuốc lá....
6. Tác hại, di chứng tai biến mạch máu não
Theo các chuyên gia y tế, tác hại và di chứng của tai biến đột quỵ não nặng hay nhẹ sẽ phụ thuộc vào độ tuổi, nguyên nhân và thời gian xảy ra bệnh, các di chứng đó có thể kể đến như:
- Liệt nửa người, cử động không được hoặc rất hạn chế, người bệnh phải nằm lâu một chỗ gây ra nhiều biến chứng cho cơ thể như: co cứng khớp, loãng xương, teo cơ, trật khớp vai, viêm phổi, lở loét, mất cảm giác, bệnh tình kéo dài sẽ ảnh hưởng tới khả năng ăn uống.
- Bị hạn chế về khả năng tự chăm sóc bản thân và hành vi, lời nói của mình, họ cần phải có người hỗ trợ vệ sinh cũng như công việc hằng ngày, khiến bản thân thu mình và ít giao tiếp hơn với mọi người.
- Một số bộ phận của cơ thể bị tê, đau hoặc có cảm giác khác lạ, nhạy cảm hơn với sự thay đổi nhiệt độ.
- Người bị đột quỵ não dễ bị trầm cảm, bốc đồng hơn, không thể kiểm soát cảm xúc của mình.
- Gặp khó khăn trong việc suy nghĩ, đưa ra lý luận phán xét, thậm chí có người còn bị mất trí nhớ.
- Bệnh tai biến ảnh hưởng trực tiếp tới cơ miệng và cổ họng, vì thế người bệnh khó nuốt và nói chuyện không được rõ ràng.
7. Cách phòng chống tai biến
Để phòng ngừa hiệu quả bệnh tai biến mạch máu não hay đột quỵ não, mỗi người đều cần phải lưu ý những điều sau:
- Kiểm soát và điều trị tốt các bệnh lý là nguyên nhân gây bệnh tai biến như: bệnh lý tim mạch, rối loạn mỡ, huyết áp cao, tiểu đường… bằng cách kiểm soát tốt lượng mỡ và lượng đường trong máu, đo huyết áp hằng ngày, thăm khám thường xuyên và định kỳ, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ...
- Giảm thiểu áp lực, stress, căng thẳng thần kinh quá mức và kéo dài, để tránh bị vỡ mạch máu não gây nguy hiểm cho người bệnh.
- Tập thể dục thường xuyên và tập thói quen sống tích cực, không sử dụng bia rượu, thuốc lá, không nên thức khuya và sử dụng các chất kích thích.
- Chế độ ăn nên có nhiều rau, củ, quả và hạn chế ăn những thức ăn chứa dầu mỡ (đặc biệt là cholesterol và chất béo bão hòa), không ăn nhiều mỡ động vật, thức ăn mặn, đồ ăn nhanh, thức ăn đóng hộp...
Các bài tập thể dục nhẹ nhàng, vừa sức sẽ giúp người cao tuổi phòng tránh nguy cơ tai biến
8. Cách cấp cứu khi bị tai biến
Cấp cứu bệnh nhân khi bị tai biến kịp thời chính là cách để giảm thiểu tối đa các di chứng về sau, do đó khi phát hiện có người bị tai biến mọi người cần hết sức lưu ý:
- Gọi ngay cho xe cấp cứu để đưa bệnh nhân đến bệnh viện nhanh nhất có thể.
- Theo dõi chặt chẽ những biểu hiện, triệu chứng để nắm bắt chính xác tình trạng người bệnh.
- Trong trường hợp thấy bệnh nhân có biểu hiện nôn mửa, mất ý thức thì cần đặt người bệnh theo tư thế nằm nghiêng an toàn theo cách thức: ngồi xuống cạnh bệnh nhân, hãy đặt tay người bệnh bên phía bạn một góc 90 độ, tay kia đặt lên má, dựng chân sao cho lòng bàn chân chạm đất và kéo người bệnh nghiêng về phía bạn...
- Tuyệt đối khi chưa có hướng dẫn của người có chuyên môn thì không để bệnh nhân uống bất cứ loại thuốc nào, điều này hết sức nguy hiểm.
3 giờ đầu là thời gian vàng dành cho bệnh nhân bị đột quỵ não, vì vậy bạn cần ghi nhớ những lưu ý trên, nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện bằng mọi giá, tuy nhiên cũng đừng quên tư thế an toàn cho nạn nhân.
9. Cách chữa trị cho người bị tai biến
Sau khi chẩn đoán xác định bệnh nhân bị tai biến mạch máu não thì bác sĩ sẽ tiến hành áp dụng phác đồ điều trị cho bệnh nhân tùy thuộc vào từng mức độ. Điều mà bệnh nhân và người nhà cần phải làm là tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, theo đó có một số nguyên tắc chung cần lưu ý:
- Cấp cứu theo quy trình ABC.
- Áp dụng phác đồ thích hợp với mỗi loại bệnh tai biến mạch máu não.
- Thực hiện biện pháp chống phù não tích cực.
- Có thể sử dụng phương pháp tế bào gốc để phẫu thuật và phục hồi nhu mô não.
- Mỗi ngày cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bệnh nhân.
- Chống tình trạng bội nhiễm tiết niệu và cơ quan hô hấp (đặc biệt là phổi).
- Điều chỉnh cân bằng kiềm toan và cân bằng nước - điện giải trong cơ thể
- Điều trị để giảm thiểu các triệu chứng như thân nhiệt tăng, rối loạn đường huyết, co giật...
- Thực hiện phục hồi chứng năng cho bệnh nhân, chống tê liệt, cơ cứng khớp, teo cơ, lở loét...
10. Cách phục hồi cho người bị tai biến
Việc phục hồi cho người bị tai biến, đột quỵ não rất quan trọng, nó có thể giúp bệnh nhân cải thiện tình hình và phục hồi sau tai biến, mang lại sức khỏe tốt và sinh hoạt bình thường cho bệnh nhân. Một số phương pháp mà gia đình có thể áp dụng để phục hồi chức năng sau tai biến cho người bệnh như:
- Điều trị bằng y học hiện đại hoặc y học dân gian.
- Cho bệnh nhân nằm với các tư thế đúng: nằm ngửa, nằm nghiêng sang bên liệt và nằm nghiêng sang bên lành.
- Hướng dẫn bệnh nhân cách ngồi dậy hợp lý từ các tư thế nằm.
- Thường xuyên lăn trở để tránh tình trạng tỳ đè nhiều gây lở loét.
- Tập các bài tập vận động thụ động như tập hai tay đưa lên đầu, tự nâng hông lên khỏi mặt giường...
- Tập đứng dậy từ tư thế ngồi, tập thăng bằng đứng để giúp người bệnh đứng vững hơn.
- Cho bệnh nhân tập những công việc sinh hoạt hằng ngày như đánh răng, rửa mặt, chải đầu, ăn uống, tắm rửa, vệ sinh...
- Người bệnh cần vận động để tránh tình trạng bị biến dạng khớp và co rút....
Lưu ý: Các di chứng của tai biến như liệt nửa người khiến người bệnh hạn chế vận động, phải phụ thuộc sinh hoạt vào người nhà, kể cả chuyện vệ sinh cá nhân. Do đó việc vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho người bệnh cũng rất quan trọng, tạo sự thoáng mát sạch sẽ sẽ giúp bệnh nhân thoải mái và vui vẻ hơn.
Người nhà có thể tham khảo sử dụng tã dán SunMate để hỗ trợ, sản phẩm được thiết kế thông minh với khả năng thấm hút tối ưu, giúp ngăn trào ngược chất lỏng mang đến sự khô thoáng, an toàn tuyệt đối khi sử dụng. Màng đáy siêu thoáng giúp thoát hơi ẩm tối ưu, tránh hầm bí giữ cho bề mặt da luôn khô thoáng sẽ là sự lựa chọn lý tưởng cho bệnh nhân bị di chứng do tai biến mạch máu não.
Để mua tã SunMate cho người thân, bạn có thể dễ dàng đặt hàng online qua TiKi, Sendo và website Tabimshop. SunMate cũng có phân phối sản phẩm trên khắp các siêu thị và nhiều tiệm tạp hóa trên toàn quốc. Ngoài ra bạn có thể gọi đến hotline 1800 555 520 ext 140 để mua tã SunMate số lượng lớn trực tiếp từ công ty.
Trên đây là một số kiến thức về bệnh tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ não, hy vọng có thể giúp bạn nhận biết và có phương pháp can thiệp kịp thời, tránh được biến chứng nguy hiểm. Đừng quên sử dụng sản phẩm tã dán SunMate để mang lại sự sạch sẽ, khô thoáng cho người bệnh nhé. SunMate - Đồng hành cùng bạn chăm sóc người tai biến, đột quỵ não.